Lương Gross hay lương gộp phản ánh mức lương tổng của người lao động trước khi tính đến các khoản đóng bảo hiểm và thuế. Vậy, lương Gross là gì? Lương Gross bao gồm những khoản nào? Và làm thế nào để tính từ lương Gross sang lương Net theo đúng quy định? Cùng Talent.vn tham khảo hướng dẫn chi tiết trong nội dung sau đây để có thể tính lương cho nhân viên một cách chính xác.
Mục lục
Toggle1. Lương Gross là gì?
Lương Gross là tổng tiền lương hàng tháng của người lao động, bao gồm các khoản như lương cơ bản, tiền trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng,… Trong đó, lương Gross cũng bao gồm các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Trên thực tế, khái niệm “lương Gross” chưa được quy định chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật, mà chủ yếu được sử dụng trong quá trình thỏa thuận (deal) lương giữa doanh nghiệp và người lao động.
Lương Gross cũng chính là mức lương được ghi nhận trong hợp đồng lao động và là cơ sở để tính toán các khoản trích nộp cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN và thuế thu nhập cá nhân. Sau khi trừ các khoản này khỏi lương Gross, doanh nghiệp sẽ có được số tiền thực tế phải trả cho người lao động, hay còn gọi là lương Net.
Tức là: Lương Net = Lương Gross – [tiền BHXH + BHYT + BHTN + thuế TNCN (nếu có)]
Ví dụ: Hợp đồng lao động ghi rõ mức lương Gross là 10.000.000 VND/tháng, và mức lương này chưa bao gồm thuế TNCN theo quy định. Giả sử, tiền lương làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cũng là 10.000.000 VNĐ, thì người lao động phải trích 10,5% lương (tương đương 1.050.000 VNĐ). Theo đó, số tiền lương mà người lao động thực nhận hàng tháng sẽ là: 10.000.000 – 1.050.000 = 8.950.000 VNĐ.

2. Lương gross bao gồm những khoản tiền nào?
Trước khi khấu trừ các khoản bắt buộc, lương Gross thường bao gồm:
– Lương cơ bản: Là mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động dựa trên kinh nghiệm, trình độ, vị trí công việc,… mà không kể đến các khoản cộng thêm như trợ cấp và thưởng.
– Các khoản trợ cấp, phụ cấp: Là các khoản tiền hoặc lợi ích bổ sung ngoài mức lương cơ bản, mà doanh nghiệp trả cho người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động hoặc tính chất phức tạp của công việc, như là tiền ăn trưa, tiền cước điện thoại, tiền xăng xe,…
– Hoa hồng: Là khoản tiền thù lao mà doanh nghiệp trả cho người lao động, thường là nhân viên kinh doanh, dựa trên doanh số sản phẩm hoặc dịch vụ.
– Thuế thu nhập cá nhân: Là khoản tiền mà người lao động phải trích từ thu nhập để nộp vào ngân sách Nhà nước.
– Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Là các khoản tiền mà người lao động phải trích 10,5% từ tiền lương hàng tháng cho BHXH, BHTN và BHYT, với tỷ lệ lần lượt là: 8% cho BHXH (bao gồm quỹ hưu trí và tử tuất), 1,5% cho BHYT và 1% cho BHTN (Căn cứ theo Quyết định Số: 595/QĐ-BHXH).

3. Vì sao doanh nghiệp cần quan tâm đến lương Gross?
Đối với người sử dụng lao động, việc hiểu rõ Lương Gross là gì và mục đích sử dụng của lương Gross có ý nghĩa như sau:
– Tăng khả năng thu hút nhân tài: Khi đăng tin tuyển dụng, doanh nghiệp có thể đưa ra mức lương Gross cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường lao động, từ đó gia tăng sức hấp dẫn và dễ dàng thu hút nhiều ứng viên hơn.
– Hỗ trợ dự báo và kiểm soát chi phí nhân sự: Bằng việc thỏa thuận lương Gross với người lao động, doanh nghiệp có thể đánh giá, so sánh mức lương của các vị trí so với thị trường, từ đó tối ưu hóa các kế hoạch về chi phí nhân sự cũng như các chiến lược phát triển nguồn lực dài hạn.
4. Lương Gross và lương Net: Sự khác biệt là gì?
4.1 Phân biệt lương Gross và lương Net
Lương Gross (lương Gộp) và lương Net (lương Ròng) đều là những khoản tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động dựa trên các thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Tuy nhiên, mỗi loại lương lại có những đặc điểm riêng mà doanh nghiệp cần lưu ý:
Tiêu chí | Lương Gross | Lương Net |
Khái niệm | Tổng thu nhập hàng tháng của người lao động trước khi tính đến các khoản bảo hiểm và thuế theo quy định. | Số tiền thực tế mà người lao động nhận được sau khi khấu trừ các khoản phí bắt buộc. |
Đặc điểm | Bao gồm các khoản phí liên quan đến: BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN (nếu có). | Đã khấu trừ các khoản bắt buộc, bao gồm: BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN (nếu có). |
Mục đích sử dụng | – Chủ yếu phản ánh thu nhập, mang lại cái nhìn khách quan hơn về giá trị lao động, vì nó chỉ dựa trên tiền lương và thời gian. – Doanh nghiệp có thể sử dụng lương Gross để làm cơ sở lập ngân sách và dự báo chi phí nhân sự. | – Người lao động thường sử dụng lương Net để lập kế hoạch tài chính cá nhân, và xem xét khả năng chi tiêu hàng tháng. |
Công thức | Lương Gross = Lương Net + Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + phí công đoàn (nếu có) | Lương Net = Lương Gross – [Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + Đoàn phí (nếu có)] |
4.2 Cách tính lương Gross sang lương Net và ví dụ
Để chuyển đổi từ lương Gross sang lương Net, doanh nghiệp áp dụng công thức:
Lương Net = Lương Gross – Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc – thuế TNCN (nếu có) – Phí công đoàn (nếu có)
Trong đó:
– Số tiền đóng bảo hiểm bắt buộc với người lao động là 10,5% tiền lương, bao gồm: Bảo hiểm xã hội (8%), Bảo hiểm thất nghiệp (1%) và Bảo hiểm y tế (1,5%).
– Thuế TNCN được tính theo công thức: TNCN = (Tổng thu nhập – Các khoản được miễn – Khoản giảm trừ) x Thuế suất
- Các khoản được miễn bao gồm: tiền bồi thường tai nạn lao động, tiền lương cao hơn cho ca làm ban đêm và giờ làm thêm cao hơn so với ca làm ban ngày, lương hưu, và nhiều khoản khác.
- Mức giảm trừ gia cảnh bao gồm:
- Giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế: 11.000.000 VNĐ/tháng (hay 132.000.000 VNĐ/năm)
- Giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc: 4.400.000 VNĐ/tháng.
- Thuế suất được xác định theo biểu thuế lũy tiến từng phần:
Mức thu nhập chịu thuế/tháng | Thuế suất (%) |
Đến 5.000.000 VNĐ | 5 |
Trên 5.000.000 đến 10.000.000 VNĐ | 10 |
Trên 10.000.000 đến 18.000.000 VNĐ | 15 |
Trên 18.000.000 đến 32.000.000 VNĐ | 20 |
Trên 32.000.000 đến 52.000.000 VNĐ | 25 |
Trên 52.000.000 đến 80.000.000 VNĐ | 30 |
Trên 80.000.000 VNĐ | 35 |
Ví dụ: Công ty X tại vùng I ký hợp đồng với người lao động A mức lương là 13.000.000 VNĐ/tháng. Đây là khoản thu nhập tính thuế TNCN duy nhất của A, và A có 2 người phụ thuộc. Để tính từ lương Gross sang lương Net cho người lao động A, chúng ta thực hiện như sau:
- Lương Gross: 13.000.000 VNĐ
- Tiền đóng bảo hiểm:
- Bảo hiểm xã hội (8%): 1.040.000 VNĐ
- Bảo hiểm y tế (1,5%): 195.000 VNĐ
- Bảo hiểm thất nghiệp (1%): 130.000 VNĐ
- Thu nhập trước thuế: Lương Gross – Tổng số tiền đóng bảo hiểm = 13.000.000 – (1.040.000 + 195.000 + 130.000) = 11.635.000 VNĐ
- Giảm trừ bản thân: 11.000.000 VNĐ
- Giảm trừ người phụ thuộc: 8.800.000 VNĐ
- Thu nhập chịu thuế: Thu nhập trước thuế – Giảm trừ gia cảnh – Giảm trừ người phụ thuộc = 0 VNĐ
- Thuế thu nhập cá nhân: 0 VNĐ
Từ đó suy ra: Lương Net = (Thu nhập trước thuế – Thuế TNCN) = 11.635.000 VNĐ.
Như vậy, mức lương thực nhận hàng tháng của người lao động A là 11.635.000 VNĐ.
Đọc thêm: Lương 3P là gì? Cách tính lương 3P và lợi ích cho doanh nghiệp
5. Lưu ý khi tính lương Gross cho người lao động
Khi tính toán lương Gross nói riêng, cũng như bất kỳ tiền công hay thu nhập nào khác cho người lao động, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau:
– Cập nhật và tuân thủ các quy định:
Chủ động tìm hiểu và nghiên cứu các quy định hiện hành liên quan đến: Hợp đồng lao động; Mức lương tối thiểu theo vùng mới nhất; Các khoản thu nhập tính thuế và không tính thuế thu nhập cá nhân; Tỷ lệ trích các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào chi phí doanh nghiệp và trích vào lương người lao động.
Các quy định về sử dụng lao động luôn thay đổi, vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ mọi thông tin để đảm bảo tuân thủ pháp luật, cũng như củng cố niềm tin nơi người lao động, từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc và gắn bó trong tổ chức.
– Cập nhật thông tin người lao động:
Các thông tin liên quan đến tiền lương cơ bản, hệ số lương, các khoản phụ cấp,… cần được cập nhật theo đúng vị trí, chức vụ và thỏa thuận với người lao động để hạn chế tình trạng tính toán lương sai.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến số người phụ thuộc, chẳng hạn như cha mẹ, con cái,… để áp dụng miễn trừ gia cảnh chính xác khi tính thuế TNCN.
– Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thanh toán:
Trước khi thanh toán lương, doanh nghiệp, nhất là bộ phận C&B, có trách nhiệm rà soát công thức, cũng như mọi thông tin liên quan đến bảo hiểm, thuế, các khoản giảm trừ,… để đảm bảo không xảy ra sai sót và gây bất lợi cho người lao động.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần cho phép người lao động được kiểm tra phiếu lương của chính họ, và yêu cầu họ xác nhận số ngày công, số ngày nghỉ phép, giờ tăng ca, tiền hoa hồng, tiền thưởng,… Có như vậy mới đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong môi trường làm việc.
Đọc thêm: Top 9+ phần mềm tính lương tốt nhất cho doanh nghiệp hiện đại
6. Xử lý bảng lương tự động và chính xác với Base Payroll
Khi số lượng nhân viên còn ít, nhiều doanh nghiệp nhỏ thường sử dụng Excel để quản lý và tính toán tiền lương. Tuy nhiên, khi quy mô mở rộng, sự khác biệt trong cơ cấu tiền lương, mức đóng bảo hiểm và thuế theo từng vị trí sẽ khiến file Excel bộc lộ nhiều bất cập, chẳng hạn như tốn nhiều thời gian để nhập liệu và kiểm tra hàm tính, dữ liệu nằm rời rạc trên nhiều bảng tính, và hệ quả là dễ xảy ra sai sót và nhầm lẫn.
Lúc này, các phần mềm tính lương tự động, tiêu biểu như Base Payroll, sẽ là cứu cánh giúp doanh nghiệp đơn giản hóa sự phức tạp của quy trình tính lương, kể cả lương Gross hay Net, và đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng các quy định mới nhất về tiền lương. Cụ thể, Base Payroll hỗ trợ doanh nghiệp trong việc:
– Tự động tính lương: Dễ dàng thiết lập công thức tính lương bằng các biến mặc định hoặc hàm tương tự Excel, áp dụng linh hoạt cho từng kỳ lương.
– Tự động ghi nhận và khấu trừ: Tự động khấu trừ các khoản liên quan đến bảo hiểm, thuế TNCN, kinh phí công đoàn,… theo công thức đã được thiết lập sẵn và đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
– Tự động gửi phiếu lương: Cho phép mỗi nhiên viên xem và xác nhận phiếu lương qua email trước khi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
– Tích hợp với hệ thống quản lý nhân sự: Đồng bộ dữ liệu với các ứng dụng quản lý chấm công, quản lý thông tin nhân sự, để hoàn thiện phiếu lương. Chẳng hạn, sau khi quyết định điều chỉnh lương, phúc lợi được cập nhật vào hồ sơ nhân sự, Base Payroll sẽ ngay lập tức nhận dữ liệu và áp dụng mức lương mới. Hoặc, dữ liệu chấm công, số ngày nghỉ phép của nhân viên cũng sẽ được chuyển sang Base Payroll để tổng hợp thành bảng lương cuối kỳ.
– Cung cấp báo cáo đa chiều: Tự động thống kê tổng số tiền lương, tổng số thuế và bảo hiểm đã khấu trừ qua các kỳ, phân tích tương quan chỉ số giữa các phòng ban, lương bình quân đầu người, so sánh chi phí trả lương với doanh thu để tính toán các chỉ số lợi nhuận và phân bổ chi phí nhân sự hiệu quả hơn.
7. Một số câu hỏi thường gặp về lương Gross
7.1 Tổng lương là gì?
Tổng lương hay lương Gross là tổng thu nhập của người lao động trước khi trừ đi các khoản bảo hiểm bắt buộc và thuế theo quy định. Đây cũng là số tiền lương mà doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng lao động.
7.2 Lương gross có bao gồm phụ cấp không?
Có. Lương Gross bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp, trợ cấp (như là phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ, trợ cấp tiền ăn,…). Ngoài ra, lương Gross còn bao gồm hoa hồng và các khoản tiền thưởng theo doanh số hay hiệu suất (nếu có).
7.3 Lương Gross khác Net như thế nào?
Lương Gross là tổng thu nhập trước thuế của người lao động trước khi khấu trừ các khoản phí và thuế. Trong khi đó, lương Net là số tiền lương thực tế “về tay” người lao động sau khi trừ đi các khoản phí và thuế. Ngoài ra, người lao động chỉ phải đóng thuế TNCN nếu mức lương của họ đạt ngưỡng phải đóng thuế theo quy định.
8. Tạm kết
Trên đây là các thông tin liên quan đến lương Gross là gì mà Talent.vn muốn chia sẻ cùng doanh nghiệp và bạn đọc. Lựa chọn trả lương Gross hay Net cho người lao động sẽ tùy thuộc vào định hướng thu hút tài nhân cũng như kế hoạch chi phí nhân sự của mỗi tổ chức. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương nào thì trên hết, vẫn cần tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và đảm bảo thực hiện theo những gì đã cam kết với người lao động.