Lương tháng 13 và các khoản thưởng cuối năm là một phần của chính sách đãi ngộ, nhằm bày tỏ sự tri ân cho những cống hiến trong năm của người lao động. Vậy, thực chất lương tháng 13 là gì? Theo các quy định hiện hành thì doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13 cho người lao động không? Và cách tính lương tháng thứ 13 như thế nào? Hãy cùng Talent tìm hiểu phần giải đáp trong nội dung sau.
Mục lục
Toggle1. Lương tháng 13 là gì?
Lương tháng 13 là khoản tiền mà doanh nghiệp trả thêm cho người lao động ngoài tiền lương định kỳ của 12 tháng trong năm. Lương tháng 13 thường được trả vào cuối năm hoặc đầu năm mới, và có thể được tính dựa trên mức lương bình quân và thời gian làm việc thực tế của người lao động. Những điều này sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận trước đó giữa hai bên.

2. Lương tháng 13 có bắt buộc không?
Đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản quy phạm hiện hành không đưa ra định nghĩa về lương tháng 13. Tức là doanh nghiệp không có nghĩa vụ bắt buộc phải trả lương tháng 13 cho người lao động.
Tuy nhiên, lương tháng 13 vẫn được xem là một khoản tiền thưởng để ghi nhận cống hiến của người lao động, và Bộ luật lao động năm 2019 có quy định cụ thể về tiền thưởng tại Điều 104 như sau:
“1. Thưởng là số tiền/tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.”
Như vậy, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 cho người lao động. Việc người lao động có được nhận tiền lương tháng 13 hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả sản xuất–kinh doanh, và mức độ đóng góp của người lao động.
Nếu áp dụng thưởng lương tháng 13 thì doanh nghiệp phải cân nhắc quy chế thưởng hợp pháp và công bố minh bạch quy chế thưởng cho người lao động sau khi đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện cho người lao động.

3. Đặc điểm chính của lương tháng 13
Trên thực tế, pháp luật không quy định cụ thể về cách tính lương tháng 13, do đó, cả doanh nghiệp và người lao động có thể nhầm tưởng lương tháng 13 và tiền thưởng Tết Nguyên đán là một. Hơn nữa, các công ty nhỏ cũng không có quy chế tính thưởng rõ ràng và thường gộp 2 khoản thưởng này lại với nhau. Vì vậy, để tránh những mâu thuẫn đáng tiếc, doanh nghiệp và người lao động cần chú ý một số điểm sau đây:
– Lương tháng 13 không phải tiền thưởng Tết: Đây là 2 khoản tiền riêng biệt, thường phụ thuộc vào chính sách thưởng của từng doanh nghiệp. Trong đó, lương tháng 13 thường được tính dựa trên mức lương cơ bản và số tháng làm việc trong năm của người lao động. Còn tiền thưởng Tết thì thường không cố định, phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, lãi–lỗ của doanh nghiệp.
– Lương tháng 13 không phải là khoản bắt buộc: Tiền thưởng tháng thứ 13 không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp lương tháng 13 được cam kết cụ thể trong hợp đồng lao động hoặc theo thỏa ước lao động tập thể, thì doanh nghiệp phải thực hiện đúng nghĩa vụ chi trả.
– Lương tháng 13 có thể được tính theo nhiều cách: Không có công thức duy nhất để tính lương tháng 13 mà cách tính sẽ do doanh nghiệp quyết định, chẳng hạn như tính theo mức lương bình quân trong năm hoặc theo lương tháng 12. Thêm vào đó, căn cứ để tính lương tháng 13 cho mỗi nhân viên trong cùng tổ chức cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào hiệu suất công việc hoặc vị trí, cấp bậc của từng người.
Đọc thêm: Lương Gross là gì? Cập nhật cách tính lương Gross mới nhất 2025
4. Tiền lương tháng 13 được tính như thế nào?
Trước hết, căn cứ để tính lương tháng 13 là gì? Bộ luật Lao động năm 2019 không quy định doanh nghiệp phải chi trả lương tháng 13, cũng như không yêu cầu mức thưởng lương tháng 13 là bao nhiêu, do đó, căn cứ và cách thức tính khoản thưởng này sẽ do doanh nghiệp chủ động xem xét và quyết định.
Dưới đây là 2 cách tính tiền lương tháng 13 đơn giản và phổ biến nhất mà doanh nghiệp có thể tham khảo và áp dụng:
4.1 Cách tính lương tháng 13 theo tiền lương trung bình của người lao động
– Trường hợp 1: Người lao động làm đủ 12 tháng trong năm:
Nếu người lao động làm việc đủ 12 tháng, thì doanh nghiệp sẽ tính tiền lương tháng 13 bằng lương bình quân của 12 tháng trong năm. Công thức:
Lương tháng 13 = Tổng tiền lương của 12 tháng / 12
Ví dụ: Nhân viên A nhận mức lương từ tháng 01/2024 đến 10/2024 là 9 triệu đồng/tháng. Từ tháng 11/2024 đến 12/2024, mức lương của A là 12 triệu đồng/tháng. Vậy, mức lương tháng 13 mà A có thể nhận được là:
[(9 x 10) + (12 x 2)] / 12 = 9,5 triệu đồng
– Trường hợp 2: Người lao động làm chưa đủ 12 tháng trong năm:
Nếu người lao động không làm việc đủ 12 tháng, thì doanh nghiệp sẽ tính lương tháng 13 theo số tháng làm việc thực tế trong năm. Công thức:
Lương tháng 13 = (Số tháng làm việc thực tế / 12) x Tiền lương trung bình
Ví dụ: Nhân viên B bắt đầu làm việc tại công ty từ tháng 10/2024. Mức lương của B từ tháng 10/2024 đến hết tháng 12/2024 là 12 triệu đồng/tháng. B có thể nhận được mức lương tháng 13 là:
(3 / 12) x 12 = 3 triệu đồng
4.2 Cách tính lương tháng 13 theo lương tháng 12 của người lao động
Theo cách tính này, tiền lương tháng 13 mà người lao động nhận được sẽ bằng tiền lương tháng 12 của họ. Đây là một cách tính lương 13 khá hấp dẫn vì nó đảm bảo tối đa lợi ích cho người lao động.
Lương tháng 13 = Tiền lương của tháng thứ 12 trong năm
Ví dụ: Nhân viên C hưởng mức lương tháng 12/2024 là 15 triệu đồng. Vậy lương tháng 13 mà C có thể nhận được cũng sẽ là 15 triệu đồng.

5. Điều kiện để người lao động được hưởng lương tháng 13
Điều kiện để người lao động nhận thưởng tháng 13 sẽ do doanh nghiệp tự quy định, thường bao gồm:
- Người lao động cần ký hợp đồng lao động và là nhân viên chính thức.
- Người lao động có thời gian làm việc chính thức tại doanh nghiệp từ 1 tháng trở lên.
- Người lao động vẫn đang làm việc tại doanh nghiệp đến hết ngày 31/12, hoặc thời điểm doanh nghiệp tính lương tháng 13.
Ngoài ra, rất nhiều công ty quan tâm đến hiệu quả công việc thực tế nên thường đặt thêm các tiêu chí về KPI, hiệu suất công việc như là những điều kiện cần để người lao động được nhận lương tháng 13.
Đọc thêm: Top 9+ phần mềm tính lương tốt nhất cho doanh nghiệp hiện đại
6. Phương pháp quản lý lương tháng 13 hiệu quả
Quản lý lương tháng 13 hoặc tiền thưởng cuối năm đòi hỏi sự rõ ràng về quy định, cách tính và thời điểm thanh toán. Sau đây là những điều mà doanh nghiệp cần lưu ý để có một kế hoạch chi trả lương tháng 13 xác đáng:
6.1 Xây dựng quy chế thưởng lương tháng 13 rõ ràng
– Kế hoạch chi trả: Doanh nghiệp cần lập kế hoạch chi trả lương tháng 13 để đảm bảo đủ nguồn vốn và thời gian thanh toán.
– Quy chế thưởng: Doanh nghiệp cần có quy chế thưởng rõ ràng, công khai, có tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện cho người lao động (nếu có).
– Điều kiện hưởng: Chỉ rõ những tiêu chí mà người lao động cần đáp ứng để được nhận lương tháng 13 (ví dụ: số tháng làm việc chính thức tối thiểu, mức độ hoàn thành KPI,…).
– Mức lương: Quy định cụ thể cách tính tiền lương tháng 13 (ví dụ: bằng lương tháng 12, theo tỷ lệ số tháng làm việc thực tế,…).
– Thời điểm trả lương: Xác định thời điểm thanh toán lương tháng 13 cho người lao động (ví dụ: cuối năm dương lịch hay trước kỳ nghỉ Tết).
– Truyền đạt thông tin: Mọi thông tin liên quan đến tiền lương tháng 13, như là căn cứ tính hoặc thời điểm chi trả, cần được công khai một cách minh bạch để người lao động nắm rõ chính sách, như vậy mới có thể tránh kỳ vọng sai lệch và dẫn đến tranh chấp nội bộ.
6.2 Xử lý lương thưởng tự động, chính xác với Base Payroll
Hiện nay, các mẫu bảng tính lương tháng 13 Excel khá phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để hoạch định tiền lương tháng 13 cho nhân viên. Tuy nhiên, việc sử dụng những biểu mẫu truyền thống thường đòi hỏi nhiều thao tác nhập liệu, gây sức ép thời gian lên bộ phận C&B, cũng như gây khó khăn cho việc kiểm soát nguồn tài chính tổng thể.
Chính vì vậy, triển khai và sử dụng các công cụ tính lương hiện đại như Base Payroll – Ứng dụng tự động xử lý bảng lương, đang trở thành một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp khắc phục mọi hạn chế của bảng tính lương Excel truyền thống với khả năng vận hành tự động và xử lý dữ liệu chỉ trong vài giây:
– Tự động tính toán lương: Dễ dàng xây dựng công thức tính lương hàng tháng, lương thưởng với các biến gợi ý sẵn hoặc tùy chỉnh hàm tính như Excel. Đồng thời, tự động khấu trừ các khoản bắt buộc như bảo hiểm và thuế theo quy định của Nhà nước hoặc các khoản đặc biệt theo từng hồ sơ nhân viên.
– Nâng cao trải nghiệm của người lao động: Tự động gửi phiếu lương qua email cho nhân viên, cho phép mọi người chủ động xác nhận thông tin tiền lương, từ đó tăng cường tính minh bạch trong môi trường làm việc.
– Tối đa khả năng quản trị nhân sự: Kết nối liền mạch với các ứng dụng HRM, ứng dụng chấm công, ứng dụng quản lý hiệu suất,… để tạo thành một hệ sinh thái quản trị nhân lực toàn diện, hợp nhất thông tin lương, thưởng vào hồ sơ nhân viên. Đặc biệt hữu ích khi muốn tính lương tháng 13 theo số tháng làm việc hoặc KPI thực tế của mỗi cá nhân.
– Kiểm soát lương đa chiều: Hỗ trợ ban lãnh đạo theo dõi tình hình chi trả lương toàn diện; tinh chỉnh chính sách thu nhập, đãi ngộ cho từng vị trí, thâm niên, năng suất; điều chỉnh lương, thưởng theo từng kỳ để cân bằng lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động.
7. Ý nghĩa của việc trả lương tháng 13
– Đối với doanh nghiệp: Mặc dù lương tháng 13 không phải là một khoản tiền bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhưng đây lại là món quà có ý nghĩa, ghi nhận sự đóng góp của người lao động trong 1 năm vừa qua. Chính vì vậy, thay vì chỉ xem lương tháng 13 là một yếu tố làm tăng thêm chi phí, doanh nghiệp nên xem đó là một công cụ phúc lợi hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân sự.
– Đối với người lao động: Tiền thưởng lương tháng 13 không chỉ có ý nghĩa về mặt hỗ trợ tài chính, đặc biệt là khi nhu cầu sắm sửa và chi tiêu tăng cao vào dịp năm mới, mà còn là nguồn động lực, khuyến khích nhân viên cống hiến nhiều hơn cho tổ chức.
8. Những thắc mắc liên quan lương tháng 13
8.1 Lương tháng 13 có trừ thuế TNCN không?
Tiền lương tháng thứ 13 sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định, cụ thể:
Khoản 2 Điều 3 của Luật thuế TNCN 2007, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Luật thuế TNCN sửa đổi 2012 quy định rằng: thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là các khoản thu nhập chịu thuế.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản thưởng không bằng tiền hoặc bằng tiền dưới mọi hình thức đều phải đóng thuế TNCN (ngoại trừ các khoản thưởng kèm theo danh hiệu được Nhà nước trao tặng; kèm theo danh hiệu thi đua; hoặc các hình thức khen thưởng theo quy định về thi đua và khen thưởng.
Như vậy, tiền thưởng lương tháng 13 sẽ bị tính thuế TNCN theo quy định. Người lao động sẽ đóng thuế TNCN sau khi trừ đi các khoản giảm trừ, bao gồm tiền BHXH, giảm trừ gia cảnh, và các khoản giảm trừ khác, mà vẫn chạm đến ngưỡng phải nộp thuế.
8.2 Lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không?
Tiền thưởng tháng 13 và thưởng Tết theo kết quả công việc của người lao động không thuộc các mục đóng BHXH, cụ thể:
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, tiền thưởng là khoản tiền mà doanh nghiệp, công ty thưởng cho nhân viên căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của nhân viên.
Và, Khoản 3 Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ: Tiền lương tháng để đóng BHXH không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi, như là tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Luật Lao động 2012, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; v.v…
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì tiền thưởng cho nhân viên như lương tháng 13 không được xem là tiền lương đóng BHXH bắt buộc.
8.3 Nên trả lương tháng 13 vào lúc nào?
Thời điểm trả lương tháng 13 cho người lao động sẽ phụ thuộc vào chính sách của từng doanh nghiệp và thỏa thuận với nhân viên. Thông thường, khoản tiền thưởng này có thể được trả vào tháng 12 âm lịch, trước khi doanh nghiệp nghỉ Tết Nguyên Đán.
8.4 Quyền lợi của người lao động khi không được trả lương tháng 13 là gì?
Nếu doanh nghiệp đã có cam kết về lương tháng 13 trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể với người lao động, thì người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp trả lương tháng 13. Dù tiền lương tháng 13 chỉ là một khoản thưởng trả thêm cho người lao động và không phải là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định, nhưng nếu hai bên đã có thỏa thuận chính thức thì doanh nghiệp phải thực hiện.
Bên cạnh đó, khi hai bên đã có cam kết chính thức, nhưng doanh nghiệp không trả lương tháng 13 thì sẽ xảy ra 2 trường hợp:
- Nếu doanh nghiệp không thực hiện trả lương tháng 13 cho người lao động mà không đưa ra được lý do chính đáng, thì người lao động có quyền khiếu nại hoặc thưa kiện với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Nếu doanh nghiệp không thể trả lương tháng 13 và có lý do chính đáng, ví dụ như kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc người lao động không đạt chỉ tiêu công việc, thì hai bên có thể thương lượng với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu, chẳng hạn như đề nghị trả một phần lương tháng 13, hoặc trả tiền thưởng này vào thời điểm khác khi tài chính của doanh nghiệp có cải thiện.
9. Tạm kết
Trên đây là các thông tin làm sáng tỏ thắc mắc “Lương tháng 13 là gì” mà Talent.vn muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Mặc dù các quy định hiện hành không yêu cầu, nhưng việc trả lương tháng 13 sẽ là bắt buộc nếu doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trong thỏa ước lao động tập thể, hoặc trong quy chế nội bộ của doanh nghiệp.
Do đó, để hạn chế hiểu lầm và phát sinh tranh chấp không đáng có liên quan đến khoản tiền thưởng này, doanh nghiệp cần công khai một cách tường tận và cụ thể về đối tượng hưởng, điều kiện hưởng, mức hưởng và thời điểm thanh toán lương tháng 13 để giúp người lao động hiểu rõ mọi khía cạnh.