Bên cạnh lương Gross, lương Net cũng là hình thức chi trả lương được cả doanh nghiệp lẫn người lao động quan tâm và tìm hiểu. Vậy, thực chất lương Net là gì? Cách tính lương Net như thế nào là chuẩn xác? Khi đồng ý trả lương Net cho người lao động thì doanh nghiệp cần lưu ý điều gì? Hãy cùng Talent phân tích chi tiết trong nội dung sau đây.
Mục lục
Toggle1. Lương Net là gì?
Lương net (hay lương ròng) là số tiền lương thực tế mà người lao động nhận được sau khi đã tính đến các khoản khấu trừ bắt buộc như bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân, từ lương Gross (hay lương gộp). Nói cách khác, đây chính là khoản thu nhập cuối cùng “về tay” người lao động.
Ví dụ: Trong quá trình thỏa thuận (deal) lương cho vị trí Chuyên viên thiết kế đồ họa, ứng viên đưa ra mức lương Net mong muốn là 15.000.000 VNĐ. Điều này có nghĩa là khi trở thành nhân viên chính thức, mỗi tháng người đó sẽ nhận về tay trọn vẹn 15.000.000 VNĐ. Còn các khoản khấu trừ theo quy định như BHYT, BHTN, BHXH và thuế TNCN (nếu có) sẽ do doanh nghiệp chi trả và không tính vào mức 15.000.000 VNĐ đó.

2. Đặc điểm nổi bật của lương Net
Lương Net có một số đặc điểm đáng chú ý như sau:
– Không bao gồm các khoản trích nộp: Lương Net đã loại trừ các khoản bắt buộc phải đóng như BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN (nếu có). Điều này đồng nghĩa với việc số tiền lương mà người lao động nhận được hàng tháng sẽ không bị ảnh hưởng bởi các khoản khấu trừ này.
– Là tiền lương thực nhận: Lương Net là số tiền lương cuối cùng mà doanh nghiệp trả cho người lao động sau khi đã khấu trừ các khoản phí bắt buộc.
– Luôn thấp hơn lương Gross: Trên thực tế, lương Net luôn thấp hơn lương Gross vì nó không bao gồm các khoản trích nộp bắt buộc.
Tức là: Lương Net = Lương Gross – [BHYT + BHTN + BHXH + thuế TNCN (nếu có)]
Tuy nhiên, khi deal lương, người lao động có thể đề xuất lương Net để xác định số tiền thực tế mà họ sẽ nhận được vào mỗi tháng.
3. So sánh lương Net và lương Gross
Dù cả hai khái niệm “lương Net” và “lương Gross” chưa được quy định chính thức trong các văn bản pháp luật, nhưng nắm rõ sự khác biệt giữa chúng là điều cần thiết để doanh nghiệp và người lao động có thể sử dụng đúng mục đích.
Tiêu chí | Lương Net | Lương Gross |
Khái niệm | Là số tiền người lao động nhận được sau khi khấu trừ các khoản bắt buộc từ tổng lương. | Là tổng lương được ghi nhận trên hợp đồng lao động, bao gồm lương Net và các khoản cần khấu trừ. |
Mục đích chính | Giúp người lao động biết chính xác số tiền thực nhận hàng tháng, từ đó lập kế hoạch chi tiêu phù hợp. | Phản ánh tổng thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng lập kế hoạch tài chính và dự trù ngân sách nhân sự. |
Bảo hiểm và thuế | Đã khấu trừ tiền đóng các loại bảo hiểm và thuế TNCN. | Bao gồm BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%) và Thuế TNCN (nếu có). |
Công thức tính | Lương Net = Lương Gross – Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc – Thuế TNCN (nếu có) – Đoàn phí (nếu có) | Lương Gross = Lương Net + Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + Đoàn phí (nếu có) |

4. Cách quy đổi từ lương Gross sang lương Net
4.1 Công thức tính lương Net
Dựa theo khái niệm “lương Net là gì”, chúng ta có thể diễn giải công thức tính lương Net từ lương Gross như sau:
Lương Net = Lương Gross – Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc – Thuế TNCN (nếu có)
Trong đó:
Lương Gross: Tổng thu nhập mà doanh nghiệp trả cho người lao động trước khi trừ các khoản bảo hiểm và thuế theo quy định.
Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc: Người lao động đóng 10,5% tiền lương cho các khoản BHXH, BHYT và BHTN theo tỷ lệ: 8% cho quỹ bảo hiểm xã hội; 1,5% cho quỹ bảo hiểm y tế; 1% cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Thuế TNCN (nếu có): Được tính bằng công thức:
Thuế TNCN = (Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế – Các khoản giảm trừ) x Thuế suất
Theo quy định về thuế TNCN, khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân người lao động là 11.000.000 VNĐ; và giảm 4.400.000 VNĐ mỗi tháng cho mỗi người phụ thuộc, cùng các khoản như quỹ hưu trí, quyên góp từ thiện, và các mức thuế suất tương ứng.
4.2 Ví dụ minh họa
Mai là Nhân viên Sáng tạo nội dung tại công ty A với mức lương Gross thỏa thuận trong hợp đồng là 25.000.000 VNĐ. Đây cũng là mức lương được dùng để tính các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc. Tiền lương thực nhận (Net) hàng tháng của Mai được tính theo công thức:
Lương Net = Lương Gross – Các khoản đóng bảo hiểm – Thuế TNCN (nếu có)
Trong đó:
– Tiền đóng các khoản bảo hiểm:
- Tiền đóng BHXH: 25.000.000 x 8% = 2.000.000
- Tiền đóng BHTN: 25.000.000 x 1% = 250.000
- Tiền đóng BHYT: 25.000.000 x 1,5% = 375.000
Suy ra, tổng số tiền mà Mai đóng bảo hiểm hàng tháng là:
2.000.000 + 250.000 + 375.000 = 2.625.000 (VNĐ)
– Số tiền đóng thuế TNCN (nếu có):
Trong trường hợp Mai có 01 người phụ thuộc và không đóng góp từ thiện trong tháng, thu nhập chịu thuế của Mai sẽ được tạm tính:
- Thu nhập chịu thuế: 25.000.000
- Các khoản được miễn trừ:
- Đối với bản thân Mai (người nộp thuế): 11.000.000
- Đối với 01 người phụ thuộc: 4.400.000
- Số tiền đóng bảo hiểm: 2.625.000
- Thu nhập tính thuế: 25.000.000 – 11.000.000 – 4.400.000 – 2.625.000 = 6.975.000 (VNĐ)
Với thời hạn hợp đồng lao động trên 03 tháng, thu nhập tính thuế này thuộc bậc 2 với thuế suất quy định là 10%. Theo đó, số tiền Mai đóng thuế TNCN là:
6.975.000 x 5% = 348.750 (VNĐ)
Vậy, số tiền lương mà Mai thực nhận mỗi tháng là:
25.000.000 – 2.625.000 – 348.750 = 22.060.250 (VNĐ).
Đọc thêm: Top 9+ phần mềm tính lương tốt nhất cho doanh nghiệp hiện đại
5. Tính lương tự động, chính xác với Base Payroll
Quản lý bảng lương là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi phòng HR và bộ phận C&B phải xử lý nhiều công đoạn. Chưa kể, khi quy mô nhân sự mở rộng lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, việc tính toán hệ số lương, mức đóng bảo hiểm, thuế TNCN, hoa hồng, thưởng,… càng trở nên rắc rối. Nếu chỉ dựa vào Excel và nhập liệu thủ công, doanh nghiệp không chỉ mất nhiều thời gian mà còn dễ xảy ra sai sót.
Trong trường hợp này, một phần mềm tự động xử lý bảng lương như Base Payroll chính là giải pháp giúp doanh nghiệp tính toán chính xác, nhanh chóng và loại bỏ những rào cản trong việc quản lý lương.
Với Base Payroll, doanh nghiệp có thể đơn giản hóa quy trình tính lương, kể cả lương Gross hay Net, và đồng thời tuân thủ đúng các quy định hiện hành về tiền lương. Cụ thể, Base Payroll có khả năng:
– Tự động tính lương: Doanh nghiệp có thể dễ dàng thiết lập công thức tính lương bằng các biến mặc định hoặc hàm tương tự Excel, linh hoạt theo từng vị trí và cấp bậc nhân viên.
– Tự động khấu trừ: Hệ thống tự động trừ các khoản bảo hiểm, thuế TNCN, phí công đoàn,… theo đúng quy định, đồng thời chuyển đổi chính xác giữa lương Net và Gross.
– Hỗ trợ xác nhận phiếu lương: Nhân viên có thể theo dõi và xác nhận phiếu lương qua email trước khi doanh nghiệp thực hiện thanh toán, giúp minh bạch và tránh mâu thuẫn.
– Tích hợp với hệ thống quản lý nhân sự: Base Payroll đồng bộ dữ liệu với các ứng dụng quản lý chấm công, thông tin nhân sự,… giúp cập nhật tự động mức lương mới sau khi có quyết định điều chỉnh. Ngoài ra, dữ liệu chấm công, số ngày nghỉ phép của nhân viên cũng được tự động tổng hợp để tạo bảng lương cuối kỳ.
– Báo cáo lương đa chiều: Hệ thống tự động thống kê tổng quỹ lương, thuế và bảo hiểm đã khấu trừ, phân tích lương bình quân, tương quan giữa các phòng ban, cũng như so sánh chi phí nhân sự với doanh thu để giúp doanh nghiệp tối ưu chiến lược tài chính.
6. Ý nghĩa của lương Net
– Đối với doanh nghiệp:
- Hạn chế tranh chấp về lương: Nhân viên có thể nắm rõ số tiền thực nhận hàng tháng, nhờ đó tránh nhầm lẫn về các khoản khấu trừ, thúc đẩy sự minh bạch và tin tưởng giữa doanh nghiệp và người lao động.
- Tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động: Việc thỏa thuận lương Net giúp ứng viên dễ dàng so sánh thu nhập thực tế, từ đó tạo lợi thế trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự.
– Đối với người lao động:
- Hiểu rõ về thu nhập: Người lao động có thể biết chính xác thu nhập thực tế hàng tháng, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch tài chính tối ưu nhất.
- Tiện lợi, không cần tính toán: Người lao động không phải tự tính toán và khấu trừ các khoản bảo hiểm và thuế TNCN, từ đó có thể tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý một số hạn chế khi nhận lương Net:
- Không biết rõ tổng thu nhập: Nhân viên chỉ thấy số tiền thực nhận mà không nắm rõ doanh nghiệp đóng góp bao nhiêu cho các khoản bảo hiểm và phúc lợi.
- Khó khăn khi vay tài chính: Khi làm hồ sơ vay ngân hàng hoặc cần chứng minh thu nhập, lương Net có thể khiến người lao động khó xác định tổng thu nhập, từ đó giảm khả năng được duyệt vay.
- Không phản ánh đúng mặt bằng lương trên thị trường: Mỗi doanh nghiệp có chính sách đóng bảo hiểm khác nhau, chẳng hạn một số công ty chỉ đóng bảo hiểm trên mức lương cơ bản, trong khi những công ty khác đóng trên toàn bộ lương Gross. Nếu ứng viên chỉ so sánh lương Net khi tìm việc, họ có thể bỏ lỡ những cơ hội tốt hơn về lâu dài liên quan đến hưu trí, thai sản và bảo hiểm thất nghiệp.

7. Một số lưu ý khi trả lương Net cho người lao động
Khi đàm phán lương Net với người lao động, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau để tránh tranh chấp và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên:
– Minh bạch về mức đóng bảo hiểm: Ngay cả khi ứng viên không hỏi đến, thì doanh nghiệp vẫn cần giải thích rõ về mức đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Nhiều ứng viên thường chủ quan, nghĩ rằng mức đóng không quan trọng, nhưng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khi xảy ra tai nạn lao động, ốm đau, thai sản hoặc hưởng lương hưu. Do đó, việc thống nhất ngay từ đầu giúp tránh hiểu lầm và hạn chế tranh chấp trong tương lai.
– Đóng bảo hiểm đầy đủ và đúng quy định: Nhận lương Net hàng tháng có thể khiến người lao động không để ý đến việc doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm đầy đủ hay chưa. Dẫu vậy, để duy trì uy tín và đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, doanh nghiệp cần thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm theo đúng theo những gì đã cam kết.
– Có kế hoạch linh hoạt: Khi có thay đổi về chính sách đóng bảo hiểm hoặc thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh lương Net để giữ nguyên thu nhập thực nhận cho nhân viên. Điều này có thể làm tăng chi phí nhân sự, vì vậy doanh nghiệp cần có kế hoạch tài chính linh hoạt và truyền thông rõ ràng để tránh gây hoang mang cho người lao động.
– Xem xét kết hợp cả lương Gross và Net: Theo xu hướng hiện nay, ứng viên thường quan tâm cả lương Gross và Net để đánh giá tổng thu nhập và các quyền lợi đi kèm như bảo hiểm, thưởng, phúc lợi. Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc kết hợp giữa lương Gross và các chế độ đãi ngộ khác để thu hút và giữ chân nhân sự ưu tú, từ đó đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường lao động.
8. Những câu hỏi thường gặp về lương Net
8.1 Lương Net và Gross khác gì nhau?
Lương Gross được hiểu là tổng thu nhập trước thuế của người lao động trước khi khấu trừ các khoản phí và thuế TNCN. Trong khi đó, khái niệm lương Net đề cập đến số tiền lương thực tế mà người lao động nhận về tay sau khi khấu trừ các khoản phí và thuế TNCN.
8.2 Lương thuần là gì?
Lương thuần, còn gọi là lương Net, hay lương sau thuế, là thu nhập mà người lao động thực nhận không bao gồm thuế BHXH, BHYT, BHTN và thuế TNCN (nếu có). Doanh nghiệp phải chịu toàn bộ những chi phí thuế TNCN, BHXH, BHYT, BHTN đó và nộp thay cho người lao động.
8.3 Lương Net có bao gồm phụ cấp không?
Thông thường, lương Net là khoản tiền thực nhận của người lao động sau khi đã trừ các khoản thuế và bảo hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lương Net chưa bao gồm các khoản phụ cấp. Điều này phụ thuộc vào chính sách đãi ngộ của từng doanh nghiệp và thỏa thuận giữa hai bên trong quá trình tuyển dụng.
Một số công ty áp dụng lương Net kèm theo các khoản phụ cấp riêng như tiền gửi xe, xăng xe, cước điện thoại, công tác phí, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, phát triển bản thân,… Vì vậy, ứng viên nên trao đổi rõ ràng với nhà tuyển dụng ngay từ đầu về lương Net và các khoản phụ cấp đi kèm để tránh hiểu nhầm.
8.4 Lương Net có tính tăng ca không?
Lương Net không được dùng trực tiếp để tính tiền tăng ca. Thay vào đó, tiền lương làm thêm giờ được xác định dựa trên lương cơ bản và các khoản phụ cấp liên quan trực tiếp đến công việc.
Theo khoản 1, Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương làm căn cứ tính tiền làm thêm giờ bao gồm: Mức lương theo công việc, chức danh; Các khoản phụ cấp; Các khoản bổ sung liên quan trực tiếp đến công việc và chức danh. Do đó, khi tính lương tăng ca, doanh nghiệp cần dựa trên lương Gross hoặc mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thay vì lương Net.
9. Tạm kết
Như vậy, Talent.vn vừa chia sẻ đến doanh nghiệp các thông tin liên quan đến lương Net là gì, ý nghĩa và cách tính lương Net một cách chính xác. Việc lựa chọn trả lương Net hay Gross cho người lao động sẽ tùy thuộc vào kế hoạch chi phí nhân sự của mỗi tổ chức. Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức trả lương nào đi nữa thì trên hết, doanh nghiệp vẫn cần tuân thủ đúng các quy định về mức đóng bảo hiểm và thuế, cũng như hoàn thành trách nhiệm chi trả theo những gì hai bên đã giao ước.